Tự điều trị trầm cảm

· 3 phút đọc

Nhiều lúc tôi tự hỏi làm sao để hết tự dưng cảm thấy buồn một cách vô lý, làm sao duy trì năng lực tích cực để tập trung làm những thứ khác. Tôi từng thử nhiều cách khác nhau nhưng chẳng có câu trả lời nào thoả đáng.

Tôi thường ở một mình những lúc nó xuất hiện. Nó là những nỗi sợ vô lý bị phóng đại một cách cực đoan, nó cũng có thể là cảm giác trống rỗng, đau khổ khi nhớ lại kí ức về một hoặc chuỗi ngày buồn.

Có một cái cây bị đóng đinh, cây có thể lành lại khi rút đinh ra nhưng sẽ để lại một vết sẹo trên thân cây mãi mãi. Bộ não, tâm trí của tôi cũng mang đặc điểm như cái cây sau khi rút đinh vậy. Đây không phải là lần đầu tiên tôi tự điều trị cho mình bằng cách "rút cái đinh ra". Sau khi cố gắng tìm hiểu bản chất của căn bệnh, tôi chỉ có một kết luận ngắn gọn: nên chấp nhận nó.

Phân tích bản chất ra thì có thể mô tả ngắn gọn về trầm cảm như sau:

  • Nó giống một khối u tâm lý luôn sẵn sàng chuyển từ lành tính qua ác tính mà tôi chẳng hề hay biết.
  • Nó tồn tại trong suy nghĩ của tôi, nằm trong não của tôi. Vậy là nó là chính tôi. Sự xuất hiện của nó là hình ảnh phản chiếu cho một đời sống tinh thần đang trên bờ vực suy sụp.

Tôi tin vào quan điểm "nhổ cỏ thì phải nhổ tận gốc". Vậy nên tôi thường nhìn lại xem vấn đề bắt đầu từ tác nhân nào rồi tiêu diệt nó. Đôi khi là ai đó, đôi khi chẳng ai khác ngoài chính mình.

Thứ để ta đưa ra quyết định xử lý một vấn đề là logic và cảm xúc. Logic được xây dựng từ những quan điểm sống cá nhân và những tác nhân xung quanh. Cảm xúc cũng là từ logic mà ra, kết quả là cách ta phản ứng với một vấn đề. Đôi khi cảm xúc nó không phụ thuộc vào một logic mà lẽ ra nó phải thế, nó đi theo một hướng khác hoàn toàn. Trong nhiều phim ảnh, sách báo, nó được gọi là linh cảm theo giác quan thứ sáu, nghe theo trái tim mách bảo.

Bạn thừa hiểu tôi không thể tiêu diệt chính mình, không thể tiêu diệt logic, không thể tiêu diệt cảm xúc. Tôi cần tồn tại, tôi cần nghĩ thấu đáo, tôi không thể thờ ơ với mọi thứ. Thế đấy, thực sự bế tắc. Giải pháp duy nhất tôi thấy ổn nhất là đừng nuông chiều cảm xúc. Nên mềm mỏng khi cần trút ra nỗi niềm, nên cứng rắn khi cần loại trừ những thứ tiêu cực.

Có lẽ chẳng ai biết nhưng tôi dành ra rất nhiều tiền chỉ để mua trải nghiệm và cảm giác. Ví dụ làm một điều gì đó mới mẻ, giúp đỡ một người xứng đáng, đi lại và uống những ly nước đắt đỏ chỉ để nói chuyện với một người bạn mới, tips cho những ai làm tôi có cảm giác vui vẻ trong ngành dịch vụ, mua sắm phục vụ sở thích.

Bên cạnh đó, tôi vẫn cố gắng thực hiện ước mơ hiện tại của mình chừng nào có thể. Từng ngày bước tiếp gần giai đoạn tiếp theo của ước mơ mang lại nhiều năng lượng tích cực.

Tìm hiểu về Phật giáo cũng giúp tôi gỡ rối trong lòng, biết thêm nhiều điều chưa biết. Tôi thường bắt đầu bằng các câu hỏi, lắng nghe những quan điểm khác nhau để tự nhận ra và sửa chữa những lầm tưởng đã tồn tại trong suy nghĩ bấy lâu nay. Hơn nữa, các vị tỳ khuyu cũng còn cần phải có thời gian để vượt qua nhiều thứ trước khi đạt đến cảnh giới đắc đạo cuối cùng. Họ là động lực để tôi trở nên kiên nhẫn hơn.

Ai biết ngày mai cảm xúc như nào, nhưng tôi luôn sẵn sàng.