Đôi chút về sự nguỵ biện

Một trong nhiều điều mà tôi chán ghét về những con người ngoài kia là trong thâm tâm họ đầy rẫy tư duy nguỵ biện. Chúng ta thường là nạn nhân của sự nguỵ biện nhưng chúng ta không thực sự quan tâm đến nó.

· 9 phút đọc

Mở đầu

Một trong nhiều điều mà tôi chán ghét về những con người ngoài kia là trong thâm tâm họ đầy rẫy tư duy nguỵ biện. Chúng ta thường là nạn nhân của sự nguỵ biện nhưng chúng ta không thực sự quan tâm đến nó.

Có thể bạn sẽ nghĩ rằng: "Ừ rồi sao?". Thực sự thì nó chẳng ảnh hưởng gì trực diện đến cách bạn tồn tại trong cõi đời này. Mọi thứ sẽ ổn, đúng vậy. Chỉ đáng nói là về lâu dài nó làm bạn mất khả năng tư duy phản biện và cũng biến bạn trở thành một cá nhân rỗng tuếch về mặt tư duy. Những người thân quen bạn về sau cũng có thể bị ảnh hưởng, trở nên tiêu cực hơn.

Nguỵ biện và sự ảnh hưởng của nguỵ biện

Nguỵ biện luôn là một chiêu trò phổ biến để giành ưu thế hoặc chiến thắng trong mọi cuộc tranh luận. Người nguỵ biện không cần phải quá đầu tư lượng kiến thức nhất định về chủ đề nào đó. Chỉ cần đối phương có sự sơ hở quá trình tranh luận hoặc thiếu sót về nền tảng nhận thức, kẻ nguỵ biện có thể dễ dàng thao túng để nắm chắc ưu thế thắng cuộc. Trong lịch sử của nhân loại thì nguỵ biện được sử dụng như là một công cụ hữu hiệu cho nhiều mục đích chính trị, kinh tế, văn hoá khác nhau.

Các nhà truyền giáo đi tới nhiều vùng đất xa lạ để làm công việc của họ, họ phải thuyết phục người dân ở nơi đó tin về một đức tin, nhân vật nào đó. Không phải lúc nào sự thật cũng lí lẽ duy nhất được sử dụng để thuyết phục. Những chi tiết kì lạ, không căn cứ xuất hiện trong kinh sách mà khó có thể giải thích chắc hẳn sẽ được che giấu bởi hình thức nguỵ biện. Phải, nó đã từng và vẫn đang cực kì hiệu quả.

Trong các mối quan hệ chính trị, nguỵ biện thường được đi kèm với lời nói dối. Bạn sẽ không cảm thấy lạ với việc các nhà lãnh đạo thường gây dựng một viễn cảnh tương lai tích cực để tìm kiếm sự ủng hộ từ những người xung quanh. Rất nhiều hình thái nhà nước, tổ chức chính trị đã ra đời nhờ cách thức này.

Ở khía cạnh kinh tế, nguỵ biện cũng được sử dụng trong đàm phán, đem về những thương vụ làm ăn thành công cho nhiều thương nhân. Làm ăn trước hết bắt đầu từ sự tin tưởng đôi bên. Vậy nên chúng ta dễ hiểu rằng người ta sẽ có xu hướng lấy niềm tin trước rồi làm gì sau đó thì chẳng quan trọng, phải không?

Nguỵ biện không tốt cho tư duy tổng thể của một cá nhân. Nếu chúng ta biết về nguỵ biện mà thường xuyên sử dụng nó, dần dần chúng ta trở nên rỗng tuếch từ bên trong, sống mưu mô hơn, vv... Nói đơn giản là gây hại cho xã hội và tiếp nối sự sai trái. Nếu chúng ta không biết, chúng ta dễ bị dắt mũi đi theo những thông tin sai trái. Ở trong bối cảnh xã hội bị "bội thực thông tin" như hiện nay, bất cứ cá nhân hoặc tổ chức nào cũng có thể thao túng tiềm thức của bạn để phục vụ cho mục đích trục lợi nào đó.

Thực trạng bây giờ

Thực sự để mà nói thì nhiều đứa trẻ được sinh ra tại đất nước này, trong đó có tôi không phải lúc nào cũng được giáo dục về kĩ năng tư duy phản biện từ nhỏ. Theo như tôi thấy thì hầu hết nhiều đứa trẻ lớn lên chỉ được dạy để biết nghe lời và cắm đầu vào học kiến thức văn hoá. Đây là một hình thức giáo dục tạo nên những cá thể thụ động, dễ bị đồng hoá về mặt nhận thức.

Đã bao giờ bạn thấy ấm ức khi bị người lớn tuổi trong nhà bỏ ngoài tai lời nói chưa? Đã bao giờ bạn cảm thấy khó chịu khi một người sai đã không chịu nhận tội lại còn tìm cách lảng tránh rồi trách ngược lại bạn chưa? Hoặc đã bao giờ bạn thấy lạc lõng khi bạn là học sinh duy nhất giơ tay phát biểu để đặt câu hỏi khi nhận thấy giáo viên giảng bài có thông tin chưa đúng chưa? Hay trên mạng xã hội, bạn đưa ra ý kiến khách quan nhưng bị một đám đông vùi dập bằng lí luận sai trái và bắt nạt bằng ngôn từ? Ngọn lửa của tư duy phản biện lụi dần từ đó. Môi trường xung quanh làm gì có sự văn minh tiến bộ để thúc đẩy bạn đứng lên.

Người Việt Nam giờ hầu như ai trông bóng bẩy ở vẻ bề ngoài, nghe chừng có vẻ đã tiếp nhận văn minh nhưng về mặt tư duy thì không khác là bao so với thời kì trước thời kì bắt đầu mở cửa kinh tế sau chiến tranh. Không thể phủ nhận bây giờ đã có nhiều cá nhân tiến bộ vượt trội hơn xưa nhưng thế là chưa đủ. Hiện giờ cả trên internet lẫn ngoài đời thực, vẫn có một tỉ lệ lớn những con người mà tôi đánh giá rằng họ vẫn luôn có xu hướng nguỵ biện trong lập luận.

Dưới đây là một số mệnh đề nguỵ biện phổ biến trong xã hội, có thể bạn sẽ cần biết.

Dạng 1: Vì chủ thể là/thuộc nhóm người yếu thế nên chủ thể có thể, được làm những hành vi sai trái với pháp luật, ưu tiên hơn những người khác hoặc khẳng định một điều sai trái là đúng.

  • Vì nghèo đói nên được quyền trộm cắp.
  • Vì đất nước chưa phát triển nên chúng ta cần phải dùng phần mềm cracked.

Dạng 2: Vì chủ thể là/thuộc nhóm người yếu thế hơn khách thể nên ...

  • Vì tao là bố mẹ mày nên tao nói mày phải nghe.
  • Vì em đẹp nên em có quyền. (trích từ câu nói phổ biến của phụ nữ trên internet).
  • Vì người ta giàu hơn nên người ta nói gì chẳng đúng.

Dạng 3: Sai + sai = đúng

  • Người ta cũng vô cảm với người khác nên tôi vô cảm thì có gì sai đâu.
  • Xã hội này đầy sự dối trá nên tôi dối trá chẳng gây ảnh hưởng gì cả.

Khi nghiên cứu sâu về lĩnh vực này thì có rất nhiều kiểu nguỵ biện khác nhau nữa. Nhưng tóm gọn trong nội dung bài viết này, nhìn từ góc độ chủ quan thì tôi thấy ở mặt phẩm chất thì người Việt tư duy phản biện rất kém, không chịu nhận sai. Đa số các cuộc tranh luận sẽ đi vào ngõ cụt rất sớm, vấn đề cần giải quyết không được giải quyết.

Người ta thực sự chỉ muốn có cảm giác chiến thắng chóng vánh trước đối phương bất luận như thế nào. Trong quãng thời gian tuổi thanh thiếu niên, tôi từng rất hiếu thắng dù biết vấn đề mình đang bảo vệ sai và nếu mình thắng tranh luận thì cũng chẳng giải quyết được gì. Trên mạng xã hội cũng có nhiều cá nhân rất nông cạn nhưng tự cho là mình đúng. Thực sự ngán ngẩm, từ đó tôi cũng chẳng tham gia tranh luận nữa.

Môi trường sống cũng góp phần vào việc này. Ngày nay với sự phát triển của truyền thông và công nghệ, người ta tiếp nhận thông tin nhanh chóng nên cũng không có thời gian lắng lại để suy nghĩ về vấn đề đã biết. Thay vào đó người ta lại thụ động tiếp thu những thông tin khác trong vô thức. Điều này là kết quả thành công mĩ mãn được phát sinh bởi hàng loạt thuật toán phân phối thông tin trên internet. Nó đã thay đổi cách chúng ta tìm kiếm thông tin, đồng thời nó thực sự nguy hiểm nhưng đa số không ai quan tâm.

Chỉ trong một thời gian ngắn, chúng ta từ những cá nhân tiếp nhận thông tin từ đọc sách giấy, báo chí đã trở thành những cá nhân thụ động tiếp nhận thông tin từ những nguồn mà được gợi ý một cách cưỡng bức dù chúng ta không muốn xem. Những nội dung giải trí vô vị, chóng vánh bao gồm cả văn bản lẫn hình ảnh đang áp đảo, Thông tin giờ không mang hàm lượng kiến thức chuyên sâu, được chọn lọc kĩ càng nữa mà được thay đổi để tăng mạnh lượt tiếp cận, suy giảm chất lượng. Một cá nhân không có chuyên môn nhưng có sự nổi tiếng bằng lượt theo dõi trên internet có thể dễ dàng thuyết phục bạn tin mọi thứ họ muốn, đổi trắng thay đen. Ít nhiều trong số đó cũng là những bậc thầy nguỵ biện, giỏi thao túng. Có kẻ xuất hiện trực diện, có kẻ thì đứng trong bóng tối để cài cắm vào tiềm thức đám đông.

Một cánh én không thể làm nên mùa xuân. Người thông thái, có tư duy phản biện thì thường không chiếm ưu thế trong mọi cuộc tranh luận, đồng thời cũng có xu hướng né tránh tranh luận. Bởi vậy, có một hệ quả là đám đông ngu dốt sẽ luôn trở nên lớn mạnh, điều này là mối nguy cho xã hội.

Tạm kết thúc

Có nhiều điều nữa để nói nhưng mà có lẽ nên chúng ta dừng ở đây. Bây giờ có thể tình hình không tốt thật nhưng mọi thứ sẽ luôn phát triển đi lên. Tôi nghĩ rằng mình chỉ có thể trông chờ vào tương lai - nơi mà thế hệ sau sẽ có xuất phát điểm được tiếp cận với phương pháp giáo dục tốt hơn. Một đứa trẻ sẽ biết cách bảo vệ quan điểm cá nhân, có nền tảng nhận thức đúng đắn.

Từ đó, chúng ta có thể hi vọng sắp tới trong mỗi cuộc tranh luận, người ta sẽ bảo vệ quan điểm bằng lí lẽ đanh thép cùng sự điềm tĩnh và tôn trọng đối phương, nguỵ biện sẽ không còn là chiêu trò để thao túng nữa.


Có thể bạn chưa biết: Trước bắt đầu mở trình soạn thảo viết bài này, một phần nào đó trong tôi cho rằng không nên viết làm gì vì thực sự ít ai quan tâm. Tôi hiểu dù có viết hay không viết, cuộc sống sẽ cứ như vậy. Mọi thứ trong cuộc sống này sẽ luôn tự bài trừ, triệt tiêu lẫn nhau để phát triển mà. Tôi vẫn chọn viết vì tôi mong chỉ một người ngẫu nhiên nào đó đọc được bài viết này sẽ hiểu vấn đề tôi đang đề cập tới để trở nên tốt hơn. Nếu biết sớm thì tốt, còn không thì bạn cũng may mắn vì chưa quá muộn để nhìn lại. Vậy thôi.