Sợ bị từ chối

· 8 phút đọc

Tôi từng xem một nội dung ở đâu đó trên mạng xã hội giải thích rằng nỗi sợ bị từ chối tồn tại từ lâu trong bản năng của con người. Con người là loài có tập tính xã hội, thế nên để mỗi cá nhân có thể sinh tồn được thì cần dựa vào cộng đồng. Một hình thức thể hiện cho điều đó là từ xa xưa thời nguyên thuỷ, tổ tiên chúng ta đã sống tập trung theo từng nhóm và các bộ lạc.

Ở đó, các cá nhân được bảo vệ khỏi nguy hiểm xung quanh, có thực phẩm để ăn. Tuy nhiên, nếu một cá nhân bị khai trừ khỏi bộ lạc vì lí do nào đó thì đồng nghĩa với việc họ sẽ gặp nguy hiểm, không thể sống sót được lâu.

Theo thời gian thì xã hội giờ đã hiện đại hơn, nhưng nỗi sợ đó vẫn còn lưu trữ lại trong bộ mã gen của mỗi người. Một đứa trẻ sẽ sợ bố mẹ bỏ rơi nó. Một học sinh sợ không hoà nhập được với thành viên khác trong lớp. Hay là nói riêng bạn đi, bạn sợ bị cấp trên từ chối ý tưởng của mình, bạn sợ không ai muốn nghe bạn nói trong cuộc họp. Bạn sợ bị người đó từ chối tình cảm, bạn sợ bị mất một mối quan hệ vì không dám nói thẳng.

Công việc đầu tiên tôi làm ở khối văn phòng là bên mảng sale, marketing cho một công ty giáo dục. Trong đó có một đầu việc trong đó là tìm khách mới và tư vấn thông qua mạng xã hội, gọi điện. Với thời điểm hiện tại thì theo tôi biết hầu hết các công ty đều sẽ cung cấp sẵn dữ liệu khách hàng để cho nhân viên gọi. Nhưng mà thời điểm tôi làm thì tôi không có gì ngoài vốn có sẵn là số điện thoại cá nhân, tài khoản Facebook cũng của cá nhân nốt. Tôi sẽ phải tự tìm cách tiếp cận khách hàng mới dựa theo quy trình của sếp đã được tuỳ biến lại cho cá nhân mình.

Thời gian đầu tôi sẽ cần phải tìm kiếm các hồ sơ cá nhân trên Facebook, lựa ra những em học sinh phù hợp nhất theo tiêu chí để gửi lời mời kết bạn, nhắn tin thăm hỏi rồi chuyển qua bước tư vấn nhằm dẫn dắt vào "chiếc phễu kinh doanh". Nghe thì vậy nhưng không hề dễ. Phải nói là tinh thần của tôi rất vững khi mà liên tục gửi, trả lời tin nhắn hàng trăm người khác nhau mỗi ngày. Hầu hết các em học sinh đều khá là tử tế, các em cũng thoải mái nghe tôi tư vấn rồi đồng ý tham gia chương trình hội thảo đầu tiên tổ chức ở công ty. Có những em nghe xong rồi thì từ chối nhẹ nhàng, cũng hơi buồn nhưng mà không sao cả. Số ít còn lại là những trường hợp rất mất dạy. Vì tưởng là tôi đang cố dụ dỗ tham gia chương trình hội thảo đa cấp, hoặc nhắn nhủ tán tỉnh gạ gẫm, nên ngay từ những tin nhắn đầu tiên tôi đã bị chúng nó chửi một cách thậm tệ, thậm chí bị thêm vào cả nhóm chat rồi chửi hội đồng.

Điều này khiến tôi vừa bực bội lẫn chạnh lòng. Lâu lâu bị một vài người từ chối thì ổn thôi, nhưng mà nếu bị nhiều người từ chối liên tục thì thực sự tôi cảm thấy thất bại trong việc giao tiếp với loài người. Mấy ngày sau năng suất làm việc của tôi giảm hẳn, tỉ lệ chuyển đổi khách từ mạng xã hội cũng thấp đi nhiều do giới hạn của Facebook đặt ra khi đó nên tôi không thể thao tác được nhiều hơn.

Ngoài ra tôi cũng có nguồn dữ liệu từ những nội dung khảo sát ở Google Form. Tôi sẽ lấy số điện thoại cá nhân ra và gọi tư vấn theo kịch bản có sẵn từ sếp. Một đứa hướng nội như tôi khi mà quyết định gửi tin nhắn cho người khác đã là điều không dễ dàng rồi. Huống chi đây là gọi điện trực tiếp tới một người xa lạ không hề quen biết, đầy sự lúng túng. Điều tôi được học từ công việc tele sale là một cuộc gọi thành công hay thất bại vốn được quyết định ngay từ 10-20 giây đầu tiên. Nếu bạn không làm cho đối phương cảm thấy quen thuộc với bạn hay có lí do để họ nán lại nghe tiếp, họ chắc chắn sẽ từ chối.

Những lần đầu tiên gọi điện tôi có tỉ lệ chốt cực kì thấp, chỉ tầm 10%. Thực sự trước giờ tôi chưa phải gọi điện trực tiếp tới ai ngoài người thân với bạn bè cả. Bạn bè người thân đều biết tôi là ai, luôn sẵn sàng lắng nghe tôi nói bất cứ thứ gì cho đến khi kết thúc. Nhưng người lạ thì họ không quan tâm, họ chỉ biết là có người lạ đang làm phiền họ, không có thành ý gì khác. Họ có thể từ chối nhẹ nhàng cho đến dập máy ngay lập tức hoặc chửi bới tôi cho thoả cơn tức.

Sau khi nhận ra kết quả không tốt, sếp đã hướng dẫn tôi cải thiện sự tự tin khi nói chuyện. Tôi đã điều chỉnh tông giọng và tìm cách ứng biến với tình huống linh hoạt hơn. Vài tuần sau tỉ lệ chốt của tôi đã lên khá cao, trong khoảng 30-60%. Dù cho tôi vẫn phải nghe những lời từ chối, nhưng mà do cách tôi đã thay đổi tiếp cận khách hàng từ những giây đầu tiên đã nên kết quả thu được trở nên tích cực hơn.

Tôi chỉ làm ở đó trong một thời gian ngắn trong học kì đầu của năm nhất rồi nghỉ vì học kì thứ hai phải qua Vĩnh Phúc học. Thời gian này thực sự hữu ích, tôi học được nhiều thứ về cách đối mặt với khó khăn, biết được cách ăn nói sao cho thu phục lòng người.


Quay trở lại vấn đề đang nói tới, chúng ta không nên để nỗi sợ ấy gạt hết mọi dự định mà bản thân muốn làm. Điểm mấu chốt tôi nhận ra là ở cuộc sống hiện đại chúng ta có nhiều cơ hội để tiếp xúc nhiều người, nhiều tình huống khác nhau hơn thời xa xưa. Nếu bạn có bị từ chối thì bạn cũng đâu có dễ dàng bị đặt vào tình thế nguy hiểm như một thành viên bị trục xuất khỏi bộ lạc, phải không? Bạn cần liều mình vượt qua để làm đã, rồi có gì xảy ra sau đó thì có thể tìm hướng giải quyết sau. Cơ hội nhiều lúc chỉ đến một lần và không có lại lần thứ hai khi bạn đã bất chấp bỏ lỡ.

Bạn nên tự tin bày tỏ suy nghĩ thích, yêu, ghét với mọi người thay vì im lặng không nói ra. Chỉ khi họ biết thì họ mới hiểu bạn muốn gì. Còn không, mối quan hệ giữa bạn và đối phương vẫn còn tồn đọng nhiều sự hiểu lầm. Chúng ta sẽ chỉ nhớ những sự kiện quan trọng thực sự gây ấn tượng mạnh, hầu hết đều quên đi tất cả mọi sự kiện bình thường còn lại. Việc bày tỏ suy nghĩ nó chỉ là một điều hết sức bình thường, tôi nhấn mạnh.

Nhờ sự xông pha bất chấp (đôi lúc hơi có dại dột) mà tôi đã có nhiều trải nghiệm thú vị trong cuộc sống. Tôi đã có nhiều mối quan hệ mới, những người bạn đặc biệt mà tôi chưa từng nghĩ là mình có thể quen được. Đây cũng chính là nguồn cảm hứng bất tận để tôi viết lách thường xuyên. Ngoài ra, tôi có cơ hội làm những thứ tôi chưa từng làm, hoàn thành nhiều mục tiêu dễ hơn. Nếu ở một dòng thời gian khác tôi sống trong cuộc sống sợ bị từ chối, trốn tránh thì chắc chắn sẽ không bao giờ đạt được như lúc này.

Bản năng của bạn không thể dự đoán được những sự kiện trong tương lai một cách chính xác. Những gì mà bộ não tưởng tượng ra thực chất chỉ là kết quả được huấn luyện từ kinh nghiệm sống trước đó thôi. Điều làm cho con người khác biệt với các loài sinh vật khác trên hành tinh này là khả năng tư duy sâu sắc thừa hưởng từ trí thông minh. Chúng ta nhiều lúc không nên sống theo bản năng mà nên phân tích tính chất của sự việc sao cho phù hợp nhất với mình để đưa ra quyết định.

Đừng nên sợ!