Tôi cực kì dị ứng với tất cả các loại sách self-help, các diễn giả mở khoá học dạy làm giàu. Đặc điểm chung của hai đối tượng trên đều là đưa ra những nội dung sáo rỗng, không hề thực tiễn.
Lời họ viết/nói ra nghe thì có vẻ hùng hồn, vĩ đại lắm nhưng thực chất nó chẳng giúp ích gì cho cuộc đời của bạn ngoại trừ đẩy cảm xúc lên cao trào tại thời điểm tiếp nhận nó. Khi quay trở lại cuộc sống thường ngày, mấy thứ đó trở nên vô nghĩa.
Tình cờ khi lướt Facebook tôi tình cờ có thấy bài viết của một fan page về chủ đề kinh doanh nào đó được gợi ý. Bài viết có một đoạn như sau:
Bánh cam giá vốn 1.500 đồng/cái, bán 5.000 đồng, lời 3.500 đồng. Vào một quán cafe hay quán ăn biết cách nói chuyện sẽ bán được tầm 5 cái, tốn mất 10 phút kể cả thời gian đi bộ. Một giờ bán được 30 cái, một ngày đi bộ bán được 200-300 cái, lời 700.000 đến hơn 1 triệu chưa kể tiền khách bo thêm. Tháng kiếm 20-30 triệu là bình thường.
Bạn thấy đoạn văn mẫu này quen không? Chỉ cần thay tên bánh cam với một loại hàng hoá giá trị khác ta đã có nội dung tương tự rồi.
Cùng nói về điều này trong phạm vi kinh doanh tự thân nhé, tôi thấy nó hoàn toàn hão huyền. Để có thể có cái nhìn rõ ràng hơn, chúng ta hãy nhìn vào những con số có thể biến động xuất hiện trong đó:
- Giá vốn: 1.500 đồng/cái.
- Giá bán: 5.000 đồng/cái.
- Số lượng bánh bán ra trong 10 phút: 5 cái.
- Số lượng bánh bán ra trong 1 giờ: 30 cái.
- Số lượng bánh bán ra trong 1 ngày: 200-300 cái.
Bây giờ là các câu hỏi của tôi:
- Giá vốn trung bình cho mỗi chiếc bánh giả định cho là ở mức lí tưởng là 1.500/cái đi. Nhưng điều gì đảm bảo thời gian tới giá vốn sẽ không tăng lên?
- Liệu có phải lúc nào cũng bán được với giá bán 5.000 đồng/cái? Chưa tính đến những lúc người mua mặc cả, bán lỗ để đẩy hàng đi à?
- Điều gì đảm bảo là cứ đều đặn mỗi 10 phút sẽ bán ra 5 cái, 1 giờ bán ra 30 cái và mỗi ngày bán ra 200-300 cái? Con người không phải cái máy mà có thể luôn luôn đạt hiệu suất lí tưởng lúc lao động, cuộc sống không phải lúc nào cũng luôn thuận lợi như thế. Chắc hẳn người bán bánh cam cũng luôn đi bán đủ ngày và không bị ế ẩm nhỉ?
Vậy thì theo ý của tay viết thì công thức tính số tiền người bán bánh cam kiếm được mỗi tháng là:
(Giá bán - Giá vốn) * Số lượng bánh bán ra mỗi ngày * Số ngày trong tháng + Tổng số tiền bo của khách mỗi tháng
Thật nực cười. Tôi thấy tay viết đã chủ ý cắt mất phép trừ, phép tính % cho các con số sau:
- Tổng tiền lỗ.
- Số lượng bánh bán ra không đạt chỉ tiêu mỗi ngày.
- Số ngày người bán bánh cam nghỉ làm mỗi tháng.
- Chi phí phát sinh khác lúc bán hàng.
- Hơn nữa, thứ hàng hoá này cũng đang được bán cũng sẽ được bán bởi nhiều người khác nên sẽ bị cạnh tranh dẫn đến mất khách hàng. Vậy thị phần của người bán bánh cam là bao nhiêu trong thị trường?
Đặt nó vào điều kiện lí tưởng thì chắc hẳn người bán bánh cam sẽ vô cùng khá giả khi họ quyết tâm làm việc chăm chỉ. Cơ mà chúng ta quên mất rằng cuộc sống không có màu hồng. Tình hình kinh doanh sẽ có lúc lên, lúc xuống chứ không đều đặn mỗi ngày. Thương trường là cuộc chiến cạnh tranh chứ không phải nơi yên vị ổn định dài hạn.
Những kẻ viết lách nội dung kể trên thường là hạng thất phu có ý đồ xấu hoặc đơn thuần chỉ là kẻ hiểu biết nông cạn nhưng vẫn cố gắng truyền đạt thông tin sai lệch. Họ có thể rêu rao với thiên hạ rằng họ đang mang lại giá trị cho mọi người đấy, nhưng giá trị đấy có hữu dụng không thì đâu đề cập đến. Điều này tựa như kiểu họ cho bạn một con thuyền để qua sông nhưng thuyền bị thủng nhiều lỗ rồi, qua sông chắc hẳn chết chìm ngay.
Đừng trở thành con cừu để bị chăn dắt. Mọi thông tin ta tiếp nhận chỉ là tương đối, nó không đơn giản như hai mặt của đồng xu mang tính chất đúng/sai. Tôi đọc qua nhiều tài liệu, sách vở khác nhau, tôi nhận ra các vị thông thái đều cố gắng truyền đạt chung một ý cho nhân loại về sự tương đối của thông tin. Nó chỉ có phù hợp với bạn hay không thôi.
Trong quá trình xây dựng tư tưởng tốt, ta không thể cứ luôn hấp thu rồi tạo ra những thứ rác rưởi được. Tôi mất thời gian suy nghĩ, chắt lọc ra nội dung, bạn mất thời gian đọc rồi nghiền ngẫm.
Qua một ví dụ về nội dung sai lệch trên, tôi muốn người đọc sẽ có cái nhìn đúng đắn hơn khi tiếp nhận thông tin ở bất cứ đâu, đặc biệt là trên internet - nơi mà thông tin nó xuất hiện ồ ạt, thượng vàng hạ cám. Quan điểm tôi khi chia sẻ là nó cần thực tế, gắn liền với cuộc sống của tôi, từ đó mới thực sự hữu ích với đối tượng tiếp cận. Chỉ có vậy chúng ta mới phát triển, đứng vững hơn giữa thời đại bùng nổ thông tin, thật - giả - chất lượng - kém chất lượng lẫn lộn.