Thay đổi không hề dễ

· 5 phút đọc

Nếu có ai hỏi tôi về quan điểm với việc thay đổi, làm mới bản thân như nào thì chắc chắn tôi sẽ nghĩ đến câu trả lời rằng tôi ưa thích sự ổn định, ít thay đổi hơn.

Quan điểm này có lâu chưa? Chưa, nó mới hình thành gần đây thôi. Điểm bắt đầu có lẽ là từ những ngày đầu tiên làm lập trình. Tôi sẵn sàng dành ra tương đối nhiều thời gian để thực hiện nhiều phép thử đúng - sai khác nhau nhằm xác định riêng cho mình một tiêu chuẩn tốt nhất. Thường thì trong mọi tình huống người ta sẽ mong muốn ra sản phẩm nhanh nhất có thể, bất chấp sản phẩm đầu ra nó dở tệ như nào. Còn tôi, tôi luôn đề cao sự thay đổi ít nhất có thể trong vòng đời phát triển phần mềm. Điều này được định nghĩa bởi nhiều kiến trúc, phương pháp tổ chức dự án - thứ mà tôi đã dành ra phần lớn thời gian để nghiên cứu những năm qua.

Lợi ích lớn nhất có được từ sự ổn định là ít bị ảnh hưởng bởi những hiệu ứng phụ phát sinh từ những thay đổi sắp tới trong tương lai. Một căn nhà có móng vững chắc sẽ không bị lung lay bởi gió bão. Một tinh thần vững chãi sẽ không bị lay động bởi tác nhân bên ngoài.

Nhưng cũng có những lúc sự ổn định đó làm tôi cảm thấy chán, thiếu động lực để phát triển, đôi khi là nó giam cầm tôi lại với những thứ xung quanh vốn có. Thời gian, sức khoẻ, tinh thần đều có giới hạn riêng của nó, chúng ta không thể cứ ôm đồm tất cả mọi thứ và nghĩ là sẽ vượt qua tất cả được. Phần lớn mọi người đang sử dụng vốn thời gian và sức khoẻ sẵn có để đổi lấy của cải vật chất. Tinh thần của họ ở một góc hoang vu nào đó mà không được chăm sóc như một khu vườn bỏ hoang, rồi nó cứ bị phai mòn dần đi theo năm tháng. Đó là một nguyên nhân tạo nên những căn bệnh tinh thần trong cuộc sống hiện đại. Hừm, tôi cũng đã từng có thời gian vật lộn với nó.

Tự điều trị trầm cảm
Nhiều lúc tôi tự hỏi làm sao để hết tự dưng cảm thấy buồn một cách vô lý, làm sao duy trì năng lực tích cực để tập trung làm những thứ khác. Tôi từng thử nhiều cách khác nhau nhưng chẳng có câu trả lời nào thoả đáng. Tôi

Tôi nghĩ rất nhiều về việc mình sẽ làm gì trong 5-10 năm tới. Dù khi nói chuyện với nhiều người từng trải thì người ta hay nói với tôi rằng tôi còn trẻ, mới chỉ 24- 25 thôi, vẫn còn nhiều thời gian để bay nhảy khắp nơi nhưng tôi thực sự tôi thấy quỹ thời gian còn lại quá ít. Không phải vì một lí do khó nói, chỉ là tôi biết những gì tôi đang có ngay bây giờ sẽ sớm tan biến đi thôi. Làm sao có thể giấu được đặc điểm dễ thấy của một bông hoa sắp héo?

Cuộc đời sẽ có lúc chìa ra trước mặt chúng ta những viên thuốc đắng và yêu cầu chúng ta nuốt. Chúng ta có thể lựa chọn giữa việc tiếp nhận nó như một phần tất yếu hoặc từ chối nhiều lần. Từ chối mãi sao được? Rồi chúng ta ai cũng sẽ phải nếm vị đắng ít nhất một lần. Vậy nên tôi quyết định phải thay đổi.

Một trong những thành công lớn nhất của việc thay đổi là tôi đã củng cố được sự tự tin trong suy nghĩ. Dù làm được hay không thì dám làm đã là một chuyển biến tích cực rồi. Tôi đã thoát ra khỏi nhiều thứ kìm hãm khả năng của mình, dừng lại trong những mối quan hệ độc hại, học hỏi được thêm nhiều thứ.

Còn hậu quả tương đối nhiều. Tôi mất thêm thời gian để bắt đầu lại cuộc sống mới, đôi khi thấy nuối tiếc lắm. Chẳng hề dễ dàng khi mà tôi phải bỏ lại những thứ vốn từng rất quen thuộc với mình trước đó. Ít nhiều những kỉ niệm cũ đó cũng là một dấu mốc trong cuộc đời, là một mảnh ghép trong bức tranh con người mới của tôi ngày hôm nay.

Sự lưu luyến làm cho chúng ta chìm đắm trong ảo giác về những thứ không hề có giữa hiện thực trần trụi này - thứ vốn dĩ chỉ xảy ra nếu nó đi theo chiều hướng thuận lợi nhất. Thực tế thì chúng ta đâu còn là bản thể tại thời điểm xưa cũ nữa, chúng ta đã là một bản thể khác lúc này rồi.

Tôi nghĩ khá nhiều, cũng thử đặt ra các tình huống giả định. Nếu một sự việc xảy ra theo chiều hướng thuận lợi thì có chắc bây giờ sẽ tốt hơn? Thường thì câu trả lời là không. Cứ cho sự việc đó có thể là tình huống rẽ nhánh quan trọng đi thì cũng chưa chắc rằng sẽ đóng vai trò quyết định, thay đổi nhiều thứ như bạn mong muốn. Điều này đã được đúc kết trong câu thành ngữ "Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa".

Khi đã hiểu được điều này, tôi biết mình chỉ nên cứ đi tiếp, đồng thời cố gắng loại bỏ cảm giác lưu luyến. Dẫu biết đường khó thì cũng cứ đi.