Kiểm soát cuộc sống

· 7 phút đọc

Cuộc sống vô cùng trớ trêu. Ngày hôm nay có thể mọi thứ thuận lợi cho tôi, qua ngày mai lại không. Tôi mất khá nhiều thời gian để than vãn về nó nhưng chẳng giải quyết được vấn đề gì mà còn mang thêm nhiều suy nghĩ tiêu cực không cần thiết vào trong đầu. Sau cùng, tôi cũng không than vãn và cũng không nhân nhượng với những gì xảy ra trong cuộc sống nữa.

Tôi thường đặt ra những câu hỏi là làm như thế nào để kiểm soát được nó, ở một vài khía cạnh như có thể tìm ra hướng giải quyết diễn biến theo nhiều chiều hướng tốt nhất, hay hạn chế rủi ro trong khả năng của tôi hiện tại.

Cải thiện bản thân

Nếu bạn có hỏi, câu trả lời đầu tiên tôi luôn nói là cải thiện bản thân mình. Bản thân mình không tốt hơn thì sao có thể tác động trực diện vào thế giới xung quanh, phải không? Để trở nên tốt hơn, tôi tập trung vào ba yếu tố cốt lõi được xếp theo thứ tự ưu tiên cao đến thấp:

  • Sống lành mạnh.
  • Làm mọi thứ có kỉ luật.
  • Tích luỹ thêm kiến thức.

Sống lành mạnh mang đến cho tôi sự thoải mái về mặt sinh học, từ đó là nền tảng để tạo ra sự thoải mái về tinh thần.

Khi tôi thoải mái, không có áp lực thì làm mọi thứ có kỉ luật trở nên dễ dàng hơn. Ví dụ đơn giản nhất cho điều này là việc tôi rửa bát. Ngày hôm trước, tôi mệt mỏi trì trệ thì tôi sẽ mặc kệ mà làm biếng rồi quên rửa bát. Ngày hôm nay khoẻ mạnh, tinh thần phấn chấn hơn thì tôi sẽ quyết định rửa bát ngay lập tức sau bữa ăn.

Chắc hẳn chúng ta ít nhất một lần cũng từng thấy người khác nói rằng nếu chúng ta có đầu óc mở mang thì sẽ dễ tiếp thu thông tin mới hơn. Cơ mà mở mang khi nào? Câu trả lời là khi tôi đạt được hai yếu tố trên: sống lành mạnh và làm mọi thứ có kỉ luật, điều đó có nghĩa là tôi đang ở trong một trạng thái tốt nhất của bản thân.

Thông thường những ai đang trì trệ, chán nản sẽ không có hứng thú tiếp thu thông tin gì mới, họ có xu hướng vùi mình trong lớp vỏ ngăn cách với thế giới bên ngoài. Đương nhiên ở trạng thái thể chất cùng tinh thần không lành mạnh đó thì khó có thể giữ kỉ luật được, trừ một vài lí do đặc biệt bắt buộc họ phải làm thế.

Nói sâu hơn về tích luỹ thêm kiến thức, tôi nghĩ sẽ không cần thiết phải nhắc lại về lợi ích của việc này nhỉ? Nhiều người cũng nói rồi, nên tôi sẽ đưa ra vài hệ quả khi bạn có thêm kiến thức.

Đầu tiên là bạn có thể định hình được bản thân. Nói tạm biệt với cuộc sống mơ hồ trước đó của bạn mà không biết mình là ai, đóng vai trò gì ở đây đi. Dựa trên một nhánh nhỏ từ nền tảng tri thức của nhân loại, bao gồm những gì bạn đã biết, từ đó bạn có thể nhận định được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân. Bạn có thể biết mình phù hợp với vai trò nào, đóng góp được gì cho chính bản thân là trước tiên, kế tiếp là xã hội. Các đặc điểm trên tạo nên sự khác biệt giữa mỗi con người chúng ta.

Thứ hai, bạn có thêm nhiều mục tiêu. Từ hình mẫu bản thân bạn đã khám phá ra trước đó, bạn có thể lên kế hoạch để hiện thực hoá điều này. Ví dụ tôi biết mình thích làm việc với máy tính, tôi biết mình có thể làm ở các vị trí công việc liên quan đến lập trình, thiết kế hệ thống. Nhưng đồng thời tôi cũng biết mình sáng tạo mà lười biếng, tôi sẽ biết mình cần tìm cách để tự động hoá những công việc lặp đi lặp lại hoặc đơn giản là tìm cách để chuyên tâm nhiều hơn vào công việc.

Cách thức chung để kiểm soát cuộc sống là vậy. Chúng ta cần tiếp cận cách giải quyết các vấn đề nhỏ trước rồi sẽ phát triển lên các vấn đề lớn hơn. Trên con đường tìm kiếm cách giải quyết vấn đề bạn sẽ thấy có những mảnh ghép khác nhau mà phù hợp với chính mình.

Cải thiện thế giới xung quanh

Bản thân đã tốt hơn rồi phải không? Giờ bạn có thể bắt đầu hành trình cải thiện thế giới xung quanh. Điều này không hề dễ dàng, tuy nhiên trong quá trình thực hiện bạn sẽ biết mình có thể tác động được những gì.

Ở đây, tôi thấy có ba yếu tố bạn cần lưu tâm:

  • Hành vi chung của các sự vật, sự việc hiện hữu xung quanh bạn và các hệ quả (có thể dự đoán được) khi bạn can thiệp vào.
  • Ảnh hưởng của bạn tới sự vật, sự việc ở mức độ nào.
  • Sẵn sàng đối mặt với rủi ro không mong muốn.

Để ví dụ về điều tôi đang truyền đạt, hãy nói về những điều xảy ra trên một ván cờ vua đi. Các trò chơi cờ có một mối liên hệ rất gần với cuộc sống của chúng ta. Bạn cần phải tính toán nhằm tìm ra chiến thuật, các cách thức giải quyết nhiều vấn đề khác nhau.

Đầu tiên, hành vi chung ở đây là phe đen hay phe trắng đều phải bắt đầu nước đi đầu tiên bằng cách di chuyển con tốt, bạn sẽ thắng khi tìm ra cách chiếu tướng để quân vua không có lối chạy thoát.

Các hệ quả có thể dự đoán được khi bạn ăn một quân cờ của đối thủ trong phạm vi 2 nước di chuyển là:

  • Trao đổi quân cờ: bạn ăn quân cờ của đối thủ bằng một quân cờ của bạn và đối thủ ăn lại quân cờ đó hoặc một quân cờ khác của bạn.
  • Đối thủ mất quân cờ: bạn ăn quân cờ của đối thủ và đối thủ không có cách để đáp trả.

Thứ hai, tôi sẽ nói đến ảnh hưởng của bạn khi ăn quân cờ. Nếu chỉ là những con tốt, nó có thể không quan trọng vì nó là bàn đạp mở ra nước đi mới. Nhưng nếu là xe, mã, tượng, hậu thì lại nghiêm trọng do bị mất quân cờ công kích và phòng thủ chủ lực trên diện rộng. Tuy nhiên vai trò của các quân cờ không hoàn toàn cố định. Tại mỗi thời điểm của ván cờ, vai trò của quân cờ lại có thể thay đổi.

Thứ ba, rủi ro không mong muốn là bạn có thể không biết trước đối thủ đã sắp xếp các vị trí quân cờ để đưa bạn vào thế bẫy sau từng nước đi. Vì vậy bạn cần phải có phương án dự phòng để đối phó với bẫy từ đối phương. Hoặc đơn giản là bạn cần chấp nhận rủi ro bị đưa vào bẫy để tìm ra hướng xử lí khác.

Từ ví dụ trên, bạn áp dụng nó vào cuộc sống của bạn, hãy thử coi nó là một ván cờ xem. Bạn sẽ hình dung được mọi người xung quanh đang sống như thế nào, bạn sẽ ra sao nếu tương tác với họ. Dựa trên hình mẫu về bản thân mà bạn mong muốn từ trước, bạn sẽ biết ảnh hưởng của bạn tới những người xung quanh là gì, họ phản ứng ra sao. Sau cùng, bạn sẽ có câu trả lời cụ thể về cách mình đối mặt với những lo âu, phiền toái, những biến cố xảy ra trong cuộc sống.