Suy nghĩ quá nhiều

Tôi hay rơi vào trạng thái suy nghĩ quá nhiều mà không thể kiểm soát...

· 5 phút đọc

Mở đầu

Có nhiều sự kiện xảy ra trong cuộc đời này, bao gồm cả những điều tốt đẹp và những điều tệ hại. Nói về những điều tệ hại thì tôi chẳng bao giờ muốn nó xảy ra, nhưng đâu biết phải làm gì khác nên ngậm ngùi chịu đựng thôi.

Những sự kiện đã diễn ra khiến tôi hiểu rằng không phải lúc nào cũng có thể biết trước hoặc kiểm soát khi điều đó xảy ra được. Đó là tiền đề của điều mà tôi đang nói về dưới đây: suy nghĩ quá nhiều. Tuy tôi không thể mô tả trạng thái này sao cho hoàn hảo nhất nhưng tôi sẽ cố gắng viết nó ra trong khả năng diễn đạt của mình.

Trước khi vào vấn đề chính, tôi muốn bạn đọc qua một số câu hỏi - câu trả lời phổ biến bên dưới để chúng ta có thể dễ dàng tiếp nhận vấn đề này hơn.

Một số câu hỏi - câu trả lời phổ biến

Q: Tôi có cảm thấy những gì tôi đang viết nhảm nhí không?

A: Tôi có nhận thức đủ đúng đắn để biết mình đang viết gì, hơn nữa tôi cũng có mong muốn tìm kiếm những luận cứ về khoa học hoặc một trải nghiệm thực tế để củng cố luận điểm của tôi. Mong bạn đừng nghĩ tôi không có trách nhiệm với những gì mình viết. Hơn nữa, nó có ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của tôi, nhưng không phải cuộc sống của bạn. Thế nên nó nhảm nhí hay không chỉ mang tính tương đối, câu trả lời có thể là đúng với bạn và sai với tôi.


Q: Liệu đây có phải tôi đang bị một bệnh lí tâm thần?

A: Tôi không phải là chuyên gia về lĩnh vực thần kinh nên tôi không có câu trả lời về việc có nên định nghĩa đây là bệnh hay không. Hơn, khái niệm bệnh lí cũng chỉ là sản phẩm của suy nghĩ chúng ta đặt ra trong tầm hiểu biết bị giới hạn thôi, thứ chúng ta hay thấy được định nghĩa là những thứ được chấp nhận rộng rãi, không phải lúc nào cũng là đúng. Cũng như câu hỏi trên, bạn chỉ đang nhận định về một vấn đề mang tính tương đối.


Q: Tại sao tôi không cứ tiếp tục kệ nó đi, đơn giản hoá và sống thôi?

A: Tôi đã thử nhưng vẫn có điều gì đó thôi thúc tôi, tôi không thể dừng lại đến khi có câu trả lời.

Sự xuất hiện

Có nền tảng gia đình tốt là một lợi thế cho một con người trong suốt quãng đời còn lại. Suy nghĩ quá nhiều là một trong những hệ quả từ sự tổn thương tâm trí do vấn đề bất ổn của gia đình tôi đã từ lâu. Tôi có thể sẽ nói thêm ở những bài viết khác trong thời gian tới.

Những lần đầu tiên diễn ra khi tôi đang khóc, sau này là khi tôi ở một mình trong trạng thái bất ổn hoặc trống rỗng. Tôi hay suy nghĩ về điều tôi quan tâm, về mọi khả năng có thể xảy ra với mỗi lựa chọn của bản thân trước những ngã rẽ quan trọng, về những câu hỏi mà tôi không thể trả lời với tầm hiểu biết hạn hẹp hiện tại về cuộc sống. Dòng suy nghĩ này xuất hiện khi một điều tệ hại xảy ra với tôi, đôi lúc là khi ở một mình trong trạng thái trống rỗng.

Hành vi diễn ra không chỉ đơn giản là nghĩ quá lên (tương đương với overthinking trong tiếng Anh), tôi suy diễn rồi liên kết chúng lại trong một trật tự logic của chính mình. Từ đó, ở trong tâm trí tôi, những nhánh rẽ sự kiện cứ thế phát triển thêm những sự kiện chính, những sự kiện phụ liên quan. Trong lúc đó tôi sẽ tưởng tượng những sự kiện xảy ra khi tôi ở trong mỗi nhánh rẽ tương ứng.

Tôi không thể dừng phát triển suy nghĩ. Nó chỉ kết thúc tại thời điểm tôi cảm thấy bị quá tải và sơ đồ liên kết những nhánh rẽ sụp đổ hết với dư âm là một cơn đau đầu dữ dội. Tôi trở lại hiện thực sau đó.

Thật là một sự may mắn khi mà tôi có thể dừng lại vì bị quá tải. Có lẽ tâm trí này chưa được khai phá hoặc tôi đã chạm đến giới hạn tư duy của một con người. Nếu không, tôi cũng chẳng biết mình sẽ đi đến đâu. Sau mỗi lần suy nghĩ quá nhiều, tôi chỉ cảm thấy mình chỉ bị dày vò nhiều hơn bởi những luồng suy nghĩ về thứ không xảy ra trong thực tại chứ không tìm ra được bản chất gì cả. Tôi không muốn nó cứ tiếp tục.

Sau cùng, tôi cho rằng tôi đang tự thôi thúc mình đi tìm bản chất thực sự của cuộc sống. Tôi cần hiểu nó hoạt động như thế nào để có thể kiểm soát nó, giải thoát mình khỏi đau khổ. Nghe có vẻ tương đồng với việc đức Phật Thích Ca từng làm nhỉ? Tôi luôn mong mình nắm được ý niệm về sự khởi đầu của mọi vấn đề, tự mình chiêm nghiệm chứ không phải bằng cách chấp nhận một giả thuyết từ một ai đó và lấy nó làm đức tin cho suốt cả cuộc đời như các tín đồ tôn giáo đang làm.

Khi mà bạn có một bức tranh tổng thể đầu tiên về vòng lặp cuộc sống này - tạm gọi là vòng luân hồi theo quan điểm Phật giáo đi, bạn sẽ cảm thấy mọi thứ bạn đang làm để sinh sống như mọi người xung quanh đều không thực sự có ý nghĩa quan trọng. Điều này có thể lí giải bằng vài lí do theo quan điểm của tôi:

  • Bạn không hiểu bản chất hay có ý niệm gì về cuộc sống - đây là trạng thái mà tôi đang trải qua.
  • Bạn đang đi sai hướng với định mệnh của mình - điều này lại dẫn tới nhiều học thuyết / khái niệm khác chưa được kiểm chứng.

(còn tiếp)

Kết luận

Cảm ơn bạn vì đã đọc tới đây, bài viết sẽ còn cập nhật nữa đến khi tôi có một dòng kết luận cuối cùng. Tôi cần có thêm thời gian trải nghiệm để chia sẻ thêm.